Giá trị trong văn học Hà_Tiên_thập_cảnh_khúc_vịnh

Giá trị nội dung và nghệ thuật của Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh được ghi nhận như sau:

Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì trong các tác phẩm của Mạc Thiên Tứ còn lưu lại, có lẽ là tập thơ này là đáng chú ý hơn cả. Nội dung tập thơ cũng có phần giống với Hà Tiên thập vịnh chữ Hán, nhưng do nói tiếng nói trực tiếp của dân tộc nên tình cảm biểu hiện thoải mái tự nhiên hơn, lòng tự hào về đất nước cũng có nét khởi sắc hơn.

Đặc biệt, thơ Nôm của ông bình dị, rất gần ngôn ngữ của quần chúng, mà vẫn không kém phần trau chuốt. Mặc dù có nhiều từ cổ, có những từ ngữ của địa phương miền Nam, lại gieo vần ở chữ chữ thứ ba câu thất đầu; nhưng những vần thơ lục bát gián thất của Mạc Thiên Tứ vẫn óng ả, duyên dáng, cũng như những bài luật Nôm của ông tuy cổ kính mà vẫn tươi tắn sinh động, không khác mấy với thơ văn đương thời thịnh hành ở Đàng Ngoài. Đó là lý do khiến cho thơ Nôm của ông phổ biến rộng rãi trong nhân dân địa phương lúc bấy giờ và vẫn tồn tại trong trí nhớ của nhiều người sau gần ba thế kỷ.[6]

Xét khía cạnh khác, thi sĩ Đông Hồ viết:

Người con lai Tàu đó, chịu khó tập luyện văn chương Nôm, thật là một điều thú vị. Chúng ta nên nhớ điều này, tập tiếng Việt ngày xưa không phải là điều kiện bắt buộc như chúng ta ngày nay; hơn nữa, ông Tổng binh đại Đô đốc trấn Hà Tiên và là Minh chủ Chiêu Anh Các (ý nói Mạc Thiên Tứ), có ai bắt buộc, có ai đòi hỏi phải làm văn tiếng Việt đâu...Ấy thế mà ông đã làm nên một tập thơ Nôm trường thiên dài 422 câu, vừa lục bát gián thất, vừa Đường luật bát cú, liên hành. Nếu không phải nhờ tiếng Việt có sức hấp dẫn làm cho tâm hồn ông yêu say đắm, thì còn vì cớ gì được nữa...[3]

Diễn giải thêm ý của Đông Hồ, trong một bài viết của GS. Lê Đình Kỵ có đoạn:

Thành tựu nổi bật hơn là nội dung chữ Hán (Hà Tiên thập vịnh) của Mạc Thiên Tứ còn được diễn đạt bằng thơ Nôm và theo thể thơ tiếng Việt. Nhìn rộng ra cả nước, thì thơ văn chữ Hán và chữ Hán vẫn được tôn trọng hàng đầu. Vậy vì cái gì đã khiến Mạc Thiên Tứ làm thơ bằng tiếng Nôm và đã đạt được những thành tựu đó?Có thể người cai quản trấn Hà Tiên, là Mạc Thiên Tứ, đã biết lợi dụng tiếng Nôm để làm phương tiện tuyên truyền; nhưng cái chính vẫn là do lòng Mạc Thiên Tứ yêu mến trân trọng tiếng Việt, đất nước và con người Việt; cảm thấy sự nghiệp, vận mệnh của mình gắn bó với nhân dân Hà Tiên, có mối cảm thông với tâm tư khát vọng của người dân thường Việt Nam. Ta không nên quên rằng Mạc Thiên Tứ sinh trưởng ở Việt Nam, mẹ là người Việt Nam, và lấy vợ cũng là người Việt Nam...[7]

Bởi những giá trị có trong thi phẩm này, đã gợi ý cho Nguyễn Cư Trinh sáng tác "Quảng Ngãi thập nhị cảnh".